Những ngày này, vợ chồng ông Nguyễn Thịnh (thôn Hòa Bình, xã Thịnh Lộc) gấp rút ra ruộng cào cỏ khô, dọn chân ruộng để chuẩn bị xuống giống lạc vụ xuân năm 2023.
Ông Thịnh cho biết: “Đón tết xong các con đi làm ăn xa, chỉ còn vợ chồng tôi ở nhà nên việc đồng áng trong dịp này khá vất vả. Vì vậy, tranh thủ những ngày nắng ráo, chúng tôi tạm dừng các hoạt động vui chơi, lễ chùa, thăm nom người thân... để tập trung cho sản xuất. Nếu thời tiết thuận lợi, khoảng 2 tuần nữa gia đình tôi sẽ xuống giống xong”.
2 ngày qua, gia đình anh Nguyễn Công Đành (ở thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc) cũng đang huy động nhân lực trong nhà tập trung xuống giống gần 3 sào lạc ở những vùng cồn cao, vườn nhà. Với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ mùa vụ, từ sáng sớm, 5 thành viên trong gia đình đã ra bãi gieo trỉa. Buổi chiều, họ cũng làm việc cật lực, người cày luống, người xuống hạt, người lấp hàng...
Anh Đành thông tin: “Để làm 8 sào lạc xuân còn lại (tổng 11 sào) kịp tiến độ mùa vụ, 10 ngày tới, gia đình tôi sẽ quyết tâm làm xong khâu thu hoạch khoai lang (để lấy đất làm lạc) và tiến hành đổ phân, bóc lạc giống, dọn cỏ, lên luống... Phấn đấu giữa tháng 2 sẽ xuống giống xong tất cả diện tích lạc”.
Vụ lạc xuân năm 2023, vựa lạc Lộc Hà có kế hoạch gieo trỉa 966 ha (ít hơn năm ngoái 34 ha), chủ yếu là các giống L14, V79, TK10... Các vùng trọng điểm là xã Thịnh Lộc (180 ha), thị trấn Lộc Hà (197 ha), xã Thạch Châu (196 ha), xã Thạch Mỹ (115 ha), xã Bình An (109 ha); diện tích còn lại là các vùng cao cưỡng của các xã khác.
Do các đợt mưa rét liên tiếp kéo dài thời gian qua khiến diện tích xuống giống lạc xuân của huyện Lộc Hà rất ít (khoảng 4%), tạo nên áp lực tiến độ mùa vụ khá lớn. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đang ráo riết đôn đốc, chỉ đạo bà con nông dân bám đồng, tích cực sản xuất.
Nguồn tin: Báo Hà Tĩnh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn